Lao động làm gì để hội nhập trong Cộng đồng kinh tế ASEAN
Cộng đồng kinh tế Asean đã chính thức hình thành ngày 31.12.2015. “Ngôi nhà” chung Asean được đánh giá mang tới nhiều cơ hội và thách thức cho lao động các nước thành viên. Với Việt Nam, các chuyên gia cho rằng hai kỹ năng thiếu hụt nhất hiện nay là ngoại ngữ và tác phong công nghiệp. Nếu “trám” đủ các thiếu sót này, vị thế của lao động Việt Nam sẽ được nâng lên đáng kể.
Nâng cao trình độ ngoại ngữ
Ông Dương Đức Lân - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - cho rằng, một trong những hạn chế lớn nhất của lao động Việt Nam hiện nay, trong đó có cả cử nhân, thạc sĩ là trình độ ngoại ngữ thấp hơn hẳn so với mặt bằng chung nhiều nước trong khu vực. “Ngoài kỹ năng nghề nghiệp để có thể cạnh tranh với lao động các nước khác, lao động Việt Nam nhất thiết phải có trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Tuy nhiên, trình độ ngoại ngữ của sinh viên ở các trường ĐH, CĐ hiện nay được nhiều chuyên gia báo động khi chương trình đào tạo đang nặng về lý thuyết mà thiếu tính thực hành, dẫn đến việc khi ra trường sinh viên gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không giao tiếp được bằng tiếng Anh” - ông Lân nhận định.
Chung quan điểm, ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM - cho rằng: “Quá trình đào tạo ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông và cả bậc đại học hiện nay đang nặng về văn phạm, giao tiếp ít, không được tiếp xúc với người bản xứ nên các em rụt rè, không mạnh dạn giao tiếp. Cốt yếu nhất bây giờ là phải xây dựng môi trường sử dụng tiếng Anh thật sự, chắc chắn sinh viên sẽ phát huy được khả năng của mình”.
Ông Tuấn cho rằng, các trường nên mời chuyên gia, giáo viên nước ngoài đến giao lưu với sinh viên, quá trình dạy nên tăng cường khả năng giao tiếp nhiều hơn là dạy ngữ pháp, văn phạm. Về phía giáo viên, một mặt phải đảm bảo kiến thức, mặt khác phải có kỹ năng tổ chức giờ học, chương trình để sinh viên được tăng cường thời lượng giao tiếp trong quá trình học.
Bồi dưỡng kỹ năng mềm
Ngoài trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm cũng là vấn đề mấu chốt ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lao động. Tuy nhiên, kỹ năng mềm không chỉ hiểu là khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, mà còn phải xây dựng tác phong công nghiệp.
Ông Tuấn lo ngại, chất lượng chung nguồn lao động, đặc biệt là sinh viên mới ra trường của ta chưa quen với xã hội công nghiệp, làm việc còn rời rạc, thiếu tính kỷ luật, tác phong công nghiệp yếu nên doanh nghiệp không hài lòng. Vì thế, ngoài dạy kỹ năng sống trong nhà trường, bản thân sinh viên cần tăng cường các hoạt động xã hội, hoạt động làm thêm để trải nghiệm cuộc sống, học hỏi thêm kỹ năng.
Nắm bắt được đòi hỏi mới, nhiều nhà trường nỗ lực đưa kỹ năng sống vào giảng dạy nhưng sau khoá học, nhiều sinh viên ra trường hoặc chưa xin được việc làm sẽ chưa có cơ hội thực hành trong đời sống, quá trình làm việc; hoặc xin được việc làm nhưng không phải môi trường nào cũng thuận lợi để lao động được thể hiện, bồi đắp những kỹ năng cần thiết.
Ông Lân đánh giá, khi cộng đồng Asean hình thành, chúng ta phải làm quen với một ngôi nhà mở mà trong đó, mọi cơ chế đều có thể khác hoàn toàn so với trước. Ví dụ, lâu nay chúng ta có tâm lý trọng bằng cấp, nhận thức rằng một tấm bằng tốt nghiệp trường “sao” là dễ dàng có cơ hội xin việc làm hơn trường tốp dưới. Tuy nhiên, nhiều cử nhân, thạc sĩ có thể sẽ “sốc” khi một nhà tuyển dụng không hỏi việc ứng viên từng học tại đâu mà chỉ hỏi về trình độ tiếng Anh; những trải nghiệm cộng đồng từng tham gia; những đề tài nghiên cứu cá nhân;… “Chuẩn bị tốt cho những tình huống này, trang bị tâm thế “mở” như chính ngôi nhà chung Asean thì lao động Việt Nam mới mong có chỗ đứng trong sân chơi vừa chật hẹp vừa khắt khe về luật chơi” - ông Lân cho hay.
Nguồn: Báo LAO ĐỘNG, http://laodong.com.vn