Tiêu chuẩn 1. Kết quả học tập mong đợi
1. Chương trình đào tạo được xây dựng nhằm thúc đẩy hoạt động học tập, việc học phương pháp học tập và tạo cho sinh viên thói quen học tập suốt đời (ví dụ: tìm hiểu mang tính phê phán, phát triển các kỹ năng học tập và xử lý thông tin, sẵn sàng thử nghiệm và vận dụng các ý tưởng mới.)
2. Chương trình đào tạo rèn luyện cho sinh viên tốt nghiệp khả năng thực hiện các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, phát triển nhân cách của họ, giúp họ có quan điểm học thuật và có năng lực trong lĩnh vực chuyên môn. Sinh viên tốt nghiệp cần có các kỹ năng có thể chuyển đổi, kỹ năng lãnh đạo, biết hướng tới thị trường việc làm cũng như phát triển nghề nghiệp.(1.9)
3. Chương trình đào tạo cần nêu rõ kết quả học tập mong đợi, phản ánh được yêu cầu và nhu cầu của tất cả các đối tượng có liên quan. (1.2)
Tiêu chuẩn 2. Chương trình chi tiết
1. Đối với mỗi chương trình đào tạo, nhà trường cần cung cấp một chương trình chi tiết trong đó có thể xác định được các điểm dừng có khả năng, và chỉ rõ kết quả học tập mong đợi của chương trình về các phương diện:
a. Những kiến thức và sự hiểu biết mà sinh viên sẽ đạt được sau khi kết thúc chương trình
b.Các kỹ năng then chốt: giao tiếp, tính toán, sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng học tập
c.Các kỹ năng nhận thức, ví dụ sự hiểu biết về phương pháp luận hoặc khả năng phân tích có phê phán
d.Các kỹ năng cụ thể, chẳng hạn kỹ năng làm việc trong phòng thí nghiệm, kỹ năng lâm sàng, v.v. (1.10)
2. Chương trình chi tiết cung cấp lời mô tả chính xác những kết quả học tập dự kiến của chương trình đào tạo bậc đại học, cùng những phương tiện nhằm giúp đạt được và chứng minh được những kết quả này. (1.11)
3. Chương trình chi tiết cần nêu rõ những kết quả học tập dự kiến trên các lãnh vực kiến thức, sự hiểu biết, kỹ năng…. Tài liệu này cần giúp cho sinh viên hiểu được phương pháp giảng dạy và học tập cần thiết để đạt được kết quả dự kiến; phương pháp kiểm tra đánh giá giúp chỉ ra kết quả học tập; mối quan hệ giữa chương trình học và các yếu tố học tập đối với quy định về bằng cấp của mỗi nước thành viên; cũng như mối quan hệ giữa chương trình học đối với khả năng chuyên môn hoặc con đường sự nghiệp sau này của sinh viên . (1.1)
Tiêu chuẩn 3. Nội dung và cấu trúc chương trình.
1. Chương trình đào tạo có sự cân bằng giữa nội dung chuyên môn, kiến thức tổng quát, và các kỹ năng cần thiết. Chương trình phải được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan.(1.3)
2. Chương trình đào tạo có tính đến và phản ảnh được tầm nhìn, sứ mạng, mục đích và mục tiêu của nhà trường. Tầm nhìn, sứ mạng, mục đích và mục tiêu của nhà trường được giảng viên và sinh viên biết rõ. (1.1)
3. Chương trình đào tạo thể hiện được năng lực của sinh viên tốt nghiệp. Mỗi học phần phải được thiết kế rõ ràng để chỉ ra được kết quả mong đợi. Để thực hiện điều này, cần xây dựng một sơ đồ chương trình đào tạo.(1.5)
4. Cấu trúc chương trình đào tạo được thiết kế sao cho nội dung các học phần có sự kết hợp và củng cố lẫn nhau. (1.4)
5. Cấu trúc chương trình đào tạo phải được xây dựng nhằm thể hiện được về chiều rộng, chiều sâu, tính chặt chẽ và tính có tổ chức của các học phần. (1.6)
6. Cấu trúc chương trình thể hiện rõ các học phần cơ bản, các học phần cơ sở ngành, học phần chuyên ngành và tiểu luận hoặc luận văn tốt nghiệp. (1.7)
Tiêu chuẩn 4. Chiến lược giảng dạy và học tập
1. Giảng viên được khuyến khích sử dụng phương pháp giúp sinh viên học tập bằng hành động. Học tập bằng hành động là một quá trình học hỏi và suy nghĩ, cân nhắc liên tục, có sự hỗ trợ của bạn cùng học, nhằm mục đích tạo ra việc học tập có chất lượng ở sinh viên. Thông qua phương pháp này, các giảng viên có thể chia sẻ với nhau thông qua việc giải quyết các vấn đề thực tế và thông qua kinh nghiệm của bản thân. Việc xây dựng chương trình học tập bằng hành động là nhằm vào mục đích cải tiến việc học tập cũng như môi trường học tập của sinh viên. (2.14)
2. Học tập có chất lượng được định nghĩa ở đây là sự chủ động tìm tòi kiến thức do chính sinh viên thực hiện, chứ không đơn thuần là sự tiếp thu những kiến thức do giảng viên cung cấp. Đây là một quan điểm học tập có chiều sâu, qua đó sinh viên tự tạo ra ý nghĩa và sự hiểu biết về thế giới. Theo quan điểm này thì việc giảng dạy chỉ đóng vai trò hỗ trợ và tạo điều kiện cho việc học tập.(4.1)
3. Mục đích của giáo dục bậc đại học là hướng vào sinh viên. Chất lượng học tập vì thế phụ thuộc phần lớn vào phương pháp học tập của sinh viên. Cho nên, điều này lại phụ thuộc vào quan niệm của người học rằng họ biết gì về việc học của mình cũng như những chiến lược học tập nào mà họ sẽ sử dụng. (4.2)
4. Chất lượng học tập phụ thuộc vào việc áp dụng các nguyên tắc phù hợp cho việc học ở tuổi trưởng thành. Người học trưởng thành học tập tốt nhất trong môi trường thoải mái, có sự hợp tác, hỗ trợ và thân thiện. Đó là môi trường phù hợp giúp cho người học ở tuổi trưởng thành học tập một các sâu sắc. (4.3)
5. Để thúc đẩy tinh thần trách nhiệm trong học tập, các giảng viên cần:
a. Tạo ra một môi trường giảng dạy-học tập sao cho mỗi người học đều tham gia vào quá trình học tập một cách có ý thức.
b. Cung cấp những chương trình đào tạo linh hoạt nhằm giúp người học chọn lựa nội dung học phần, thứ tự các học phần trong chương trình, phương pháp kiểm tra đánh giá, phương thức và thời gian học tập sao cho có ý nghĩa nhất đối với từng người. (4.9)
6. Để kích thích sự say mê và các giá trị đối với việc học tập, đồng thời tạo cơ hội phát triển trí tuệ cho người học, các giảng viên cần tạo ra những cơ hội học tập và giao lưu trong đó người học có thể tham gia hết mình cả về trí tuệ lẫn tình cảm. (4.10)
Tiêu chuẩn 5. Đánh giá sinh viên
1. Việc kiểm tra đánh giá bao gồm:
a. Đánh giá việc nhập học của tân sinh viên bằng kết quả đầu vào.
b. Đánh giá sự tiến bộ trong hoc tập của sinh viên thông qua một ma trận điểm số/biểu đồ/hồ sơ học tập nêu rõ năng lực của sinh viên và thông qua chương trình đào tạo được thiết kế dựa trên kết quả đầu ra.
c. Đánh giá bài thi cuối khóa/tốt nghiệp của sinh viên bằng Bảng Danh mục kiểm tra năng lực sinh viên tốt nghiêp (Graduate Competency Check-List) hoặc bằng một kỳ kiểm tra tích hợp và toàn diện.
2. Theo nguyên tắc học tập ở tuổi trưởng thành, các học viên trưởng thành thích được đánh giá bằng các phương pháp dựa trên tiêu chí và thông qua sự kết hợp giữa tự đánh giá, bạn bè đánh giá, và giảng viên đánh giá.(3.1)
3. Giảng viên cần cung cấp nhiều hình thức đánh giá đa dạng thông qua các phương pháp tự đánh giá, bạn cùng học đánh giá và giảng viên đánh giá dựa trên nguyên tắc minh bạch, linh hoạt, có cân nhắc, và hướng đến kết quả. Các tiêu chí đánh giá cần được thương lượng rõ ràng với mọi thành viên tham gia học phần. Các chiến lược đánh giá phải phù hợp nhằm đánh giá được kết quả học tập mong đợi.
4. Việc thực hiện đánh giá tương ứng với mọi mục đích và mọi lãnh vực đã dạy trong chương trình. (3.3)
5. Giảng viên cần sử dụng nhiều phương pháp kiểm tra đánh giá khác nhau để phục vụ các mục đích đánh giá khác nhau như chẩn đoán/khảo sát, đánh giá tiến trình học tập, và đánh giá kết thúc học phần hoặc khóa học.(3.4)
6. Phạm vi và trọng số của các kế hoạch kiểm tra đánh giá phải rõ ràng và được phổ biến đến mọi đối tượng quan tâm. (3.5).
7. Các tiêu chuẩn áp dụng trong các kế hoạch kiểm tra đánh giá phải minh bạch và nhất quán trong toàn bộ chương trình đào tạo.(3.6)
8. Thường xuyên áp dụng các quy trình để bảo đảm đến mức tối đa rằng các kế hoạch kiểm tra đánh giá đều có giá trị, đáng tin cậy, và được thực hiện một cách công bằng. (3.7)
9. Có những quy định hợp lý về thủ tục khiếu nại kết quả đánh giá để sinh viên sử dụng khi cần. (3.9)
10. Độ tin cậy và tính giá trị của các phương pháp kiểm tra đánh giá được ghi lại bằng văn bản và thẩm định thường xuyên; các phương pháp kiểm tra đánh giá mới thường xuyên được phát triển và thử nghiệm. (3.10)
Tiêu chuẩn 6. Chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy
1. Giảng viên ở bậc đại học phải có những khả năng sau:
a. Thiết kế được một chương trình giảng dạy và học tập chặt chẽ, đồng thời thực hiện được chương trình này;
b. Áp dụng nhiều phương pháp dạy và học,và chọn lựa phương pháp thích hợp nhất để đạt được kết quả học tập mong đợi;
c. Sử dụng và phát triển nhiều loại phương tiện truyền thông trong dạy học;
d. Sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để đánh giá việc học của sinh viên phù hợp với những kết quả học tập dự kiến;
e. Tự giám sát và đánh giá việc giảng dạy cũng như chương trình giảng dạy của chính mình;
f. Có suy nghĩ, cân nhắc kỹ về việc thực hành giảng dạy của chính mình;
g. Xác định các nhu cầu và xây dựng các kế hoạch phát triển liên tục. (2.13)
2. Có đủ số lượng giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu, xét theo các yêu cầu tổng hợp cả về bằng cấp, kinh nghiệm, khả năng, tuổi tác, v.v. (2.1)
3. Việc tuyển chọn và nâng bậc cho giảng viên dựa trên các tiêu chuẩn về năng lực như giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ. (2.3)
4. Vai trò và mối quan hệ của các thành viên trong đội ngũ cán bộ được xác định và được mọi người hiểu rõ.(2.4)
5. Việc phân công nhiệm vụ dựa trên cơ sở bằng cấp, kinh nghiệm và khả năng phù hợp của cán bộ.(2.5)
6. Việc quản lý thời gian và cơ chế khen thưởng nhắm đến mục tiêu thúc đẩy chất lượng giảng dạy và học tập.(2.6)
7. Mọi cán bộ đều có trách nhiệm giải trình với Chủ sở hữu của nhà trường (Chính phủ, Hội đồng Quản trị, Tổ chức sáng lập), thông qua Hiệu trưởng và các đối tượng có liên quan, có lưu ý đến quyền tự do về học thuật của các giảng viên. (2.9)
8. Có sự chuẩn bị dự phòng đối với những vấn đề như thẩm định, tư vấn, và sắp xếp lại nhân sự.(2.10)
9. Những quyết định về nhân sự như cho thôi việc, nghỉ hưu, và các phúc lợi xã hội đều được lên kế hoạch sẵn và thực hiện tốt. (2.11)
10. Việc đánh giá cán bộ được thực hiện thường xuyên dựa trên một kế hoạch xây dựng từ trước và sử dụng những biện pháp công bằng và khách quan trên tinh thần hướng đến sự cải thiện. (2.12)
Tiêu chuẩn 7. Chất lượng cán bộ hỗ trợ
Có đủ đội ngũ cán bộ phục vụ giảng dạy như nhân viên thư viện, nhân viên phòng thí nghiệm, nhân viên hành chính và công tác sinh viên.
Tiêu chuẩn 8. Chất lượng sinh viên
Chính sách thu nhận sinh viên và các tiêu chí nhập học rõ ràng, được xem xét điều chỉnh định kỳ.
Tiêu chuẩn 9. Hỗ trợ và tư vấn sinh viên
1. Quá trình học tập của sinh viên được giám sát và ghi nhận một cách có hệ thống; thông tin đánh giá được phản hồi trở lại cho sinh viên và những giải pháp cải thiện được đưa ra ngay khi cần thiết.(3.8)
2. Nhằm cung cấp một môi trường học tập thuận lợi, đảm bảo chất lượng học tập của sinh viên, giảng viên cần cố gắng tối đa trong khả năng của mình để tạo ra không chỉ môi trường vật chất hỗ trợ phù hợp với các hoạt động học tập, mà còn chú trọng cả môi trường tâm lý và xã hội. (5.1)
Tiêu chuẩn 10. Trang thiết bị và cơ sở hạ tầng
1. Nhà trường phải có đủ các tài nguyên vật chất phục vụ cho việc thực hiện các chương trình đào tạo, bao gồm thiết bị, tài liệu học tập và công nghệ thông tin.(6.1)
2. Các thiết bị cần được cập nhật, sẵn sàng để sử dụng, và được sử dụng có hiệu quả.(6.2)
3. Các tài nguyên học tập phải được chọn lọc và phù hợp với mục tiêu học tập.(6.4)
4. Có thư viện điện tử để đáp ứng sự phát triển về công nghệ thông tin-truyền thông. (6.5)
5. Có các hệ thống công nghệ thông tin và các hệ thống này cần được cập nhật.(6.7)
6. Các trung tâm máy tính của nhà trường phải có sẵn các máy tính và hệ thống mạng cho phép cộng đồng nhà trường khai thác công nghệ thông tin để phục vụ cho giảng dạy, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ và quản lý.(6.8)
7. Các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh môi trường đáp ứng được mọi yêu cầu của địa phương về mọi mặt.(5.2)
Tiêu chuẩn 11. Đảm bảo chất lượng quá trình giảng dạy và học tập
1. Chương trình đào tạo phải được thiết kế bởi một nhóm trong đó có đại diện của Bộ phận chất lượng, Hội đồng khoa học, đội ngũ làm chương trình, sinh viên và các đối tượng có liên quan trong các lĩnh vực công nghiệp, chính phủ, và các tổ chức nghề nghiệp.
2. Chương trình đào tạo được thẩm định và đánh giá tính hiệu quả định kỳ, được điều chỉnh sau khi đã được sử dụng trong một thời gian hợp lý. (1.8)
3. Điều kiện cơ bản giúp nhà trường cải tiến hoạt động giảng dạy và học tập là phải thực hiện một quy trình đánh giá thường xuyên và có kế hoạch. Về phương diện này, các giảng viên nên tạo ra một môi trường khuyến khích sinh viên tham gia vào việc đánh giá hoạt động giảng dạy cũng như kết quả học tập.
Tiêu chuẩn 12. Hoạt động phát triển đội ngũ cán bộ
1. Nhu cầu phát triển đội ngũ được ghi nhận một cách hệ thống, trong mối tương quan đến nguyện vọng cá nhân, chương trình đào tạo và yêu cầu của đơn vị.(2.7)
2. Đội ngũ giảng viên và nhân viên phục vụ được tham gia các chương trình phát triển đội ngũ theo các nhu cầu thiết thực. (2.8)
Tiêu chuẩn 13. Lấy ý kiến phản hồi của các bên liên quan
Các trường đại học được khuyến khích xây dựng cơ chế thường xuyên tự đánh giá chương trình học và học phần, với sự tham gia của tất cả mọi đối tượng có liên quan (lãnh đạo nhà trường, nhà tuyển dụng, sinh viên, cựu sinh viên, v.v.).
Tiêu chuẩn 14. Đầu ra
Chất lượng của sinh viên tốt nghiệp là phải đạt được kết quả học tập mong đợi và đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan.
Các hoạt động nghiên cứu được thực hiện bởi cán bộ giảng dạy và sinh viên phải đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan.
Tiêu chuẩn 15. Sự hài lòng của các bên liên quan
Các bên liên quan hài lòng về chương trình đào tạo và chất lượng của sinh viên tốt nghiệp.